Các sự kiện thảm đỏ của những LHP quốc tế hẳn quen thuộc với vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê,ốctếTokyoTrầnAnhHùngkểchuyệnlàhentaivm riêng sự kiện thảm đỏ của LHP quốc tế Tokyo 36 với cặp đôi này là một kỷ niệm đặc biệt.
Đạo diễn Trần Anh Hùng vui vẻ nói: "Thảm đỏ năm nay làm rất đẹp, gần với khán giả và tôi được mọi người chào đón nồng nhiệt nên thấy thật vui, tôi đã có những giây phút trải nghiệm thú vị". Được bố cục dọc theo lối đi trên con đường Hibiyanaka ngăn giữa hai tòa cao ốc Chanter và Tokyo Midtown Hibiya, với thiết kế uốn lượn, dài đến 165 m, sự kiện thảm đỏ cũng khiến diễn viên – nhà thiết kế Trần Nữ Yên Khê bất ngờ: "Đi trên thảm đỏ ngày khai mạc LHP quốc tế Tokyo 36, tôi thấy họ làm đẹp quá, đây là sự kiện thảm đỏ ấn tượng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của tôi từ trước đến giờ".
Tác phẩm Pot-au-Feu ra mắt khán giả Tokyo trong chiều ngày thứ 2 của chương trình LHP quốc tế Tokyo 36. Sức hấp dẫn của tên tuổi Trần Anh Hùng cùng những giải thưởng quốc tế đạt được từ Pot-au-Feu, và phim có phụ đề Nhật ngữ, càng làm tăng lý do khiến người yêu điện ảnh Nhật Bản đón đợi.
Đạo diễn Trần Anh Hùng mở đầu buổi giao lưu, anh nói về chuyện làm phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết The passionate Epicure(1924) của Marcel Rouffe, nội dung kể về chuyện tình của chuyên gia ẩm thực Dobin (nam diễn viên Benoît Magimel thủ vai) và người tình đầu bếp Eugénie (nữ diễn viên Juliette Binoche).
Chọn cách kể chuyện theo một hướng mới lạ về đề tài ẩm thực, tình yêu thực sự là thách thức với đạo diễn, và cách để vượt qua là đưa yếu tố cảm xúc làm chủ đạo. Nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê kể lại: "Ngay khi nghe ý tưởng, tôi thấy đây là một thử thách, vì bối cảnh phim diễn ra ở thời điểm 1925, cả hai chúng tôi đến từ Việt Nam, do vậy có nhiều khác biệt. Trong phim, mọi người sẽ thấy yếu tố cảm xúc là chủ đạo, vì miêu tả hình ảnh nói lên văn hóa cụ thể, còn cảm xúc là cái chung mang tính phổ quát, ai cũng có thể cảm nhận được".
Pot-au-Feu: phim hiếm hoi không sử dụng nhạc
Hầu hết các tác phẩm điện ảnh kể về đề tài tình yêu không thể thiếu âm nhạc, nhưng Pot-au-Feu là một phim hiếm hoi không sử dụng nhạc. Nguyên cớ được đạo diễn Trần Anh Hùng tiết lộ: "Việc nấu nướng luôn có nhiều chuyển động liên tục, tiết tấu nhanh, âm thanh trong gian bếp có nhịp điệu và hấp dẫn riêng, khi dựng phim tôi thấy chính những âm thanh ấy đã là nhạc rồi nên tôi không dùng nhạc nữa".
Biệt tài nấu nướng trên phim của diễn viên Benoît Magimel khiến người xem phải thổn thức các giác quan vì… thèm. Hỏi ra mới biết anh cũng là người thường xuyên nấu nướng cho bản thân và bạn bè. Chuyện nhập vai hoàn hảo vào nhân vật trong phim được Benoît Magimel kể: "Tôi coi việc nấu nướng là cách thể hiện tình yêu với bạn bè và người mình yêu. Tôi không phải là một nghệ nhân ẩm thực, cho nên đưa tình cảm vào chuyện bếp núc là chi tiết quan trọng, do vậy khi diễn theo cách đó, mọi thứ rất trôi chảy và tự nhiên như thường ngày tôi vẫn làm".
Cố vấn ẩm thực cho Pot-au-Feu là đầu bếp 3 sao Michellin lừng danh của ẩm thực Pháp, ông Pierre Gagnaire, người từng được La Chef bình chọn là một trong mười đầu bếp xuất sắc của thế giới. Và để có những thước phim ngon đủ các giác quan, Benoît Magimel cho biết anh học theo hoàn toàn cách hướng dẫn, cách dùng gia vị, cả việc chọn nguyên liệu của Pierre Gagnaire.
Diễn viên Benoît Magimel chia sẻ thêm: "Khi anh Hùng nói chuyện với tôi về vai diễn, tôi có nói anh ấy là thông thường, vai đầu bếp trong phim luôn là hình ảnh một gã béo, sao không phải là một người gầy. Rồi khi nhận vai diễn, tôi phải học nấu ăn, và nấu liên tục cho bạn bè, đến lúc khởi quay tôi tăng hơn 10 kg so với trước đó. Nhân hôm nay, tôi cũng phải gửi lời xin lỗi anh Hùng và chị Yên Khê vì cứ phải sửa, nới trang phục cho tôi suốt quá trình quay".
Phim được quay bối cảnh đẹp, ngược dòng lịch sử về trăm năm trước. Và để có bối cảnh ưng ý như thấy trên phim, nhà thiết kế Trần Nữ Yên Khê cho biết chị phải chạy nước rút trong 25 ngày để hoàn thành từ việc thiết kế nội thất đến trang phục diễn viên. Phim nhận được phản hồi là cảnh quay đẹp, nhưng Yên Khê bảo: "Chúng tôi rất vinh dự khi nhận được nhiều lời khen, nhưng mục đích chúng tôi không phải làm ra một phim đẹp, mà là cố gắng làm đúng, cụ thể, chi tiết về những thứ chúng tôi muốn kể, đó là ẩm thực".
Trò chuyện bên lề cùng nữ diễn viên Yên Khê, chị cho biết phim vẫn chưa có tựa đề tiếng Việt: "Phim đang trong quá trình đặt tựa theo tiếng Việt, anh Hùng và mẹ của mình đang tìm một tên gọi phù hợp. Dự kiến cuối tháng 12 Pot-au-Feu sẽ có dịp ra mắt khán giả Việt". LHP quốc tế Tokyo 36 vẫn đang diễn ra sôi động với nhiều hoạt động hấp dẫn và chuyên sâu của ngành công nghiệp điện ảnh.